Written by: Đại Lực Đồng Nai
Hits:
1513
Ngành da giày Việt Nam đã có một năm 2018 thành công trên lĩnh vực xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 20 tỷ USD, nhưng tại thị trường nội địa lại chưa chiếm lĩnh được.
Mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu
Theo số liệu từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), mỗi năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 190 triệu đôi giày dép, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.
Thị phần còn lại chủ yếu là của hàng Trung Quốc ở phân khúc bình dân, hàng Thái Lan ở phân khúc trung cấp và một phần nhỏ là hàng cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc và các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Trên con phố Hàng Dầu nổi tiếng bán giày dép của Hà Nội, hàng Trung Quốc tràn ngập với giá chỉ 100.000 – 300.000 đồng/đôi. Mỏi mắt mới tìm thấy một vài thương hiệu Việt Nam lọt thỏm trên con phố này.
Theo đại diện Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti), người tiêu dùng trong nước hiện nay đã cởi mở hơn với giày dép nội. Tuy nhiên, để được họ lựa chọn thì sản phẩm phải có thương hiệu. Doanh nghiệp phải thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo và lâu dài. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp hệ thống phân phối.
Cũng than khó với thị trường nội địa, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Giày Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết: Làm hàng xuất khẩu dễ hơn nhiều so với tiêu thụ nội địa vì công ty chưa có thương hiệu, ít người tiêu dùng biết đến. Mặc dù Giày Thanh Thủy đã đưa sản phẩm vào các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhằm giới thiệu sản phẩm nhưng hiệu quả đạt được thấp, thậm chí doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso lý giải: “Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa vì mẫu mã thay đổi liên tục, giá rẻ, trong khi các cơ sở sản xuất của ta mẫu ít, ít thay đổi, giá cả cao, chất lượng không đảm bảo”.
Một khía cạnh khác ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt là năng suất lao động. Ông Thuấn cho rằng nếu không thay đổi năng suất thì “doanh nghiệp chết không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay thị trường nội địa bởi có mã hàng doanh nghiệp nước ngoài làm một giờ được 1-2 đôi trong khi mình làm được có 0,5 đôi”.
Chủ tịch Lefaso đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, giảm bớt quy trình sản xuất và giá thành.
Nguồn:copy