Đăng bởi: Đại Lực Đồng Nai
Lượt xem:
1319
Thông tin từ Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) đưa ra tại Hội nghị tổng kết ngành da giày năm 2018, vừa diễn ra tại TPHCM vào ngày 17.1.
Theo Lefaso, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày năm 2018 đạt gần 20 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2017. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu giày dép, túi xách của VN lớn nhất, với hơn 6,5 tỉ USD. Thị trường EU đứng thứ hai với hơn 5 tỉ USD. Kế đó là các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso – cho biết: “Mặc dù VN đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với một số nước trong khối Asean cùng sản xuất da giày; tuy nhiên, dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành da giày VN vẫn tốt, nên ngành da giày VN sẽ tiếp tục “ăn nên làm ra” trong năm 2019”.
Theo ông Thuấn, do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang VN, chờ cơ hội từ CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 31.12.2018 và EVFTA – dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.
Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, sẽ tác động đến xuất – nhập khẩu của VN và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018 – 2019 (nhằm tránh tác động xấu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các Hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2019).
Xuất khẩu da giày của VN năm 2019 tiếp tục gia tăng nhờ xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI. Lefaso dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày năm 2019 sẽ tăng 11% so với năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 21,5 tỉ USD, xuất khẩu da giày chiếm tỷ trọng 9% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong đó, ngành da giày sẽ nỗ lực nội địa hoá sản phẩm với tỉ lệ 60%. Xuất khẩu da giày sẽ đứng thứ 4 và xuất khẩu túi xách sẽ đứng thứ 10, trong TOP 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.